Trong “Sử ký”, ngoài Tôn Vũ, còn có một nhân vật huyền thoại khác có thể liệt vào Thánh binh, người này là Ngô Khởi.
Suốt cuộc đời Ngô Khởi sống ở ba nước Lỗ, Ngụy và Sở. Thời gian ông làm tể tướng của nước Sở, do áp dụng chính sách cải cách của ông động chạm đến lợi ích của giới quý tộc nên ông đã bị loạn tiễn của bọn quý tộc bắn chết.
![]() |
Ngô Khởi, dùng binh pháp như Tôn Vũ, nhưng sát thê cầu tướng, cuối cùng chết bởi loại tiễn |
Ngô Khởi dù tài giỏi nhưng ông có tính xấu tham lam và háo sắc, theo “Sử ký: Tôn Tử Ngô Khởi liệt truyện“, Ngô Khởi lấy vợ là người nước Tề, khi ông ta muốn làm tướng nước Lỗ, người nước Lỗ nghi ngờ ông thân với nước Tề, ông ta đã giết vợ mình để được vua nước Lỗ tin dùng.
Trong Đông Chu liệt quốc có kể lại như sau:
Ngô Khởi vốn người nước Vệ, lúc bé còn ở trong làng, Ngô Khởi thường bị mẹ tránch mắng về tội du đãng, hay chơi nghề đánh gươm. Ngô Khởi cắn cánh tay chảy mắu ra mà thề với mẹ rằng:
– Từ nay trở đi, con xin từ giã mẹ, đi học phương khác. Nếu không làm nên khanh tướng, lên xe xuống ngựa, cờ mở trống giong, thì con quyết không về nước Vệ trông thấy mẹ nữa!
Người mẹ khóc mà bảo ở nhà. Ngô Khởi chẳng ngảnh cổ lại, cứ việc ra thẳng cửa bắc, đi sang nước Lỗ, xin học với Tăng Sâm, là học trò giỏi của Khổng Tử. Ngô Khởi ngày đem chăm chỉ, không quản khó nhọc.
Quan đại phu nước Tề là Điền Cư đến nước Lỗ nghe nói Ngô Khởi là người ham học mới thử hỏi chuyện thì thấy ứng đối trơn tru như nước chảy liền gả con gái cho. Ngô Khởi học Tăng Sâm được mấy năm, Tăng Sâm biết là nhà Ngô Khởi còn có mẹ già, mới hỏi rằng:
– Ngươi đi học đã lâu ngày, mà không về thăm mẹ thì sao cho đành lòng ?
Ngô Khởi nói:
– Con đã thề rằng nếu không làm nên khanh tướng thì không trở về nước Vệ nữa!
Tăng Sâm nói:
– Đối với người khác thì mới nên thề, còn đối với mẹ thì thề sao được!
Từ bấy giờ Tăng Sâm có lòng ghét Ngô Khởi. Chưa được bao lâu, có tin đồn rằng mẹ Ngô Khởi đã chết, Ngô Khởi ngửa mặt lên trời kêu to ba tiếng, rồi lại chùi nước mắt mà đọc sách như thường. Tăng Sâm giận mà nói rằng:
– Ngô Khởi không về để tang mẹ, thế là người quên gốc! nước không nguồn thì tất phải kiệt, cây không gốc thì tất phải gãy, người mà không gốc thì sống sao đuợc! Ngô Khởi không phải là học trò ta!
Tăng Sâm sai học trò đuổi Ngô Khởi ra, không cho học nữa. Ngô Khởi bỏ đạo nho, đi học binh pháp. Trong ba năm, học đã thành nghề, mới xin làm quan ở nước Lỗ.

Quan tướng quốc nước Lỗ là Công Nghi Hưu, thường cùng với Ngô Khởi bàn việc binh, biết Ngô Khởi là người có tài, bèn nói với Lỗ Mục công, dùng cho làm quan đại phu. Ngô Khởi đã có lương bỗng, mới mua nhiều tì thiếp để cầu vui.
Bấy giờ quan tướng quốc nước Tề là Điền Hoà, muốn cướp nước Tề, nhưng sợ nước Lỗ thông gia mấy đời với Tề sẽ đem quân đến hỏi tội chăng, mới nhân cái thù ở Nghê Lang khi trước, mà sang đánh Lỗ, định dùng binh lực để làm cho Lỗ phải sợ. Quan tướng quốc nước Lỗ là Công Nghi Hưu nói với Lỗ Mục công rằng:
– Muốn lui quân Tề, không dùng Ngô Khởi không xong
Lỗ Mục công nói:
– Ta vẫn biết Ngô Khởi là người tài giỏi, nhưng hắn lại kết duyên với một người con gái họ Điền nước Tề. Tình người ta còn gì yêu hơn vợ chồng, tài nào hắn không có ý thiên vị. Bởi vậy mà ta ngần ngại chưa dám quyết.
Ngô Khởi thấy Lỗ Mục công còn nghi ngờ mình mà chưa dùng, vì vợ là người nước Tề, nên về nhà hỏi vợ:
– Người ta có vợ, qúy ở chỗ nào ?
Điền Thị nói:
– Qúy ở chỗ ngừơi vợ biết trông nom công việc cửa nhà để giúp cho chồng làm nên kia khác.
Ngô Khởi nói:
– Chồng làm đến khanh tướng, quyền cao chức trọng, nức tiếng thơm danh, thế mới thật là nên. Vợ có mong cho chồng được như thế không ?
Điền Thị nói:
– Có.
Ngô Khởi nói:
– Ta muốn cầu nàng một việc, nàng có giúp ta thì ta mới thành công được.
Điền Thị nói:
– Tôi là đàn bà, có đâu lại giúp được phu quân thành công.
Ngô Khởi nói:
– Nay quân Tề đánh Lỗ, vua Lỗ muốn cho ta làm tướng, chỉ vì ta kết hôn với nàng là dòng dõi họ Điền ở nước Tề cho nên nghi ngờ mà không dùng. Nếu ta được thủ cấp của nàng mà đem dâng vua Lỗ thì vua Lỗ không nghi ngờ nữa, ta mới làm nên công danh được.

Điền Thị kinh sợ, vừa toan mở miệng nói thì Ngô Khởi đã tuốt gươm chém đầu Điền Thị rơi xuống đất. Ngô Khởi lấy lụa bọc đầu Điền Thị đem vào yết kiến Lỗ Mục công mà tâu rằng:
– Tôi có lòng báo quốc, chỉ vì vợ tôi mà chúa công nghi ngờ, nay tôi chém đầu vợ tôi, để tỏ là người một lòng vì nước Lỗ.
Lỗ Mục công thấy Ngô Khởi giết vợ để cầu làm tướng, thế là tàn nhẫn hết nước, con người như thế thật là khó lường! Nhưng đến lúc này nếu không dùng Ngô Khởi thì không được, bèn phong Ngô Khởi làm tướng mà lãnh đại quân đánh tan đội hùng binh nước Tề, làm chấn động Trung Nguyên lúc đó.
Sau khi được người khác thuyết phục, Ngô Khởi bỏ Lỗ đến Ngụy, sau khi làm đại tướng của Ngụy, ông đã thiết lập hệ thống quân sự mới để tăng cường sức mạnh cho quân Ngụy, đồng thời tấn công Tần khiến Tần sụp đổ nhiều thành.
Tần Huệ Công, vì báo thù nên đính thân dẫn 50 vạn quân tấn công Ngụy để trả thù. Nhưng Ngô Khởi chỉ dùng 5 vạn tân binh và 500 chiến xạ, kị binh 3 ngàn đã đánh tan quân Tần. Với chiến thắng này đã áp chế nhuệ khí quân Tần, giúp Ngụy đoạt lấy Hà Tây.
Thừa cơ danh tiếng vang xa, ông đã sang nước Sở để tìm nơi tiến thân, với những kỳ tích quân sự dưới thời Lỗ và Ngụy, nên khi sang Sở, ông đã không làm vua Sở thất vọng.
Kể từ khi ông được bổ nhiệm làm tể tướng của nước Sở, ông đã đưa ra một loạt những cải cách mạnh mẽ, những sắc lệnh mà ông thực hiện đã làm thay đổi rất nhiều tình hình hiện tại của nước Sở, khiến nước Sở trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Các chư hầu đều sợ hãi khi nghe tin Sở tấn công, và họ đều khiếp sợ khi nghe tin ông điều quân. Có thể nói, sự hưng thịnh của nước Sở bắt đầu từ thời Ngô Khởi, chỉ cần vua Sở tiếp tục trọng dụng Ngô Khởi, thì sự thống nhất Trung Hoa của Sở chỉ là sớm chiều. Tuy nhiên, cuộc cải cách của Ngô Khởi đã khiến quyền lợi của các quý tộc bị ảnh hưởng, vì vậy các quý tộc rất phẫn nộ với ông.
Trùng hợp với cái chết của Sở Điệu Vương, các quý tộc đã ra lệnh cho cung thủ giết ông ngay tại chỗ trong khi ông đang ở bên cạnh Điệu Vương. Tuy nhiên, vì sự việc này xảy ra trong tang lễ của vua Sở, nên ngoài việc Ngô Khởi bị tên bắn chết, thi thể của vua Sở cũng bị trúng tên.
Dưới thời trị vì của Hoàng đế Đường Túc Tông, ông đã được xếp vị trí Vũ miếu thập triết trong Miếu Vũ Thành. Đến đời Tống Huy Tông, ông được tôn xưng là Quảng Tông Bá, là một trong 72 vị tướng trong Vũ Miếu.
Nguyệt Hòa biên tập
Theo Đông Chu liệt quốc/sound of hope